Hero image

Nguồn: Unsplash

Xét nghiệm PCR và test nhanh COVID-19 khác nhau như thế nào?

Người viết: ThS. DS. Lê Phan Thu Hân

Người kiểm duyệt: ThS. Trần Thị Bảo Trâm

Cập nhật: 02-12-2022

Chắc hẳn những thuật ngữ như test nhanh, test chậm và xét nghiệm RT-qPCR COVID-19 đã không còn xa lạ với bạn. Thậm chí, không ít bạn từng trải qua cảm giác buốt tận óc khi lấy mẫu qua mũi/ họng. Tuy nhiên, hẳn nhiều bạn vẫn còn bối rối và nhầm lẫn giữa những phương pháp xét nghiệm khác nhau này. Hôm nay, mọi người hãy cùng VHL tìm hiểu nhé!

Xét nghiệm RT-qPCR COVID-19

Ý nghĩa xét nghiệm

Trước tiên, bạn sẽ được lấy dịch họng hoặc dịch tỵ hầu bằng một bông tăm. Đây là những dịch chứa chất nhầy, tế bào chết của người và virus (nếu có). Sau đó, mẫu dịch này được đưa đi xét nghiệm để định tính sự hiện diện của virus thông qua định lượng gián tiếp nồng độ vật liệu di truyền của virus (RNA). Nhờ đó, bạn có thể biết được mình có đang nhiễm COVID-19 hoạt động hay không.

Ưu điểm và nhược điểm

Phương pháp RT-qPCR có độ chính xác và độ nhạy cao nhất, có khả năng phát hiện được virus với lượng cực nhỏ. Vì vậy, phương pháp này được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán COVID-19 và thường không cần làm thêm các xét nghiệm xác định khác. 

Tuy nhiên, RT-qPCR có quy trình phức tạp nên tiêu tốn nhiều thời gian (thường mất 4 – 6 tiếng trong phòng thí nghiệm nên bạn sẽ nhận kết quả sau 1 ngày). Đồng thời, phương pháp này đòi hỏi máy móc, hóa chất hiện đại và nhân lực có chuyên môn nên chi phí thực hiện khá cao.

Làm gì khi có kết quả xét nghiệm RT-qPCR âm tính/ dương tính?

Kết quả xét nghiệm RT-qPCR dương tính nghĩa là bạn đang nhiễm virus và có khả năng phát tán, lây truyền mầm bệnh cho người khác. Lúc này, bạn cần khẩn trương liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi tại nhà hoặc nhập viện điều trị. Bạn có thể tìm kiếm số điện thoại đường dây nóng của địa phương mình tại trang web: moh.gov.vn/danh-ba-uong-day-nong

Mặt khác, kết quả RT-qPCR âm tính chỉ có ý nghĩa: bạn không nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm lấy mẫu. Bên cạnh đó, kết quả này có khả năng là âm tính giả, tức là bạn mắc bệnh nhưng xét nghiệm lại không phát hiện ra. Nguyên nhân do nhiều yếu tố ảnh hưởng như thời gian, thao tác lấy mẫu, quá trình vận chuyển, bảo quản mẫu xét nghiệm, điều kiện phòng thí nghiệm, lượng virus trong mẫu bệnh phẩm quá thấp hoặc virus ở sâu trong phổi… 

Vì vậy, dù nhận được kết quả xét nghiệm RT-qPCR COVID-19 âm tính, bạn đừng chủ quan. Hãy tiếp tục thực hiện 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế). Đồng thời, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà và thông báo tới các cơ quan chức năng để được hỗ trợ khi xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở kèm theo lịch sử tiếp xúc với người bệnh hoặc đang ở trong vùng dịch nhé!

Test nhanh kháng nguyên COVID-19

Ý nghĩa xét nghiệm

Giống như test RT-qPCR, phương pháp xét nghiệm này cũng cần lấy dịch mũi hoặc hầu họng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là kỹ thuật phát hiện virus trong phòng thí nghiệm. Với test nhanh, các cán bộ y tế sẽ xác định sự hiện diện của protein đặc hiệu bề mặt virus (kháng nguyên) bằng phương pháp sắc ký miễn dịch. Phương pháp này đơn giản và ít tốn thời gian hơn. Do đó, test nhanh giúp sàng lọc sớm để nhanh chóng phát hiện các ca nghi ngờ mắc bệnh và thực hiện cách ly y tế khi cần thiết.

Ưu điểm và nhược điểm

Test nhanh có ưu điểm là nhanh, rẻ tiền và có thể tự thực hiện tại nhà với các bộ kit xét nghiệm. Mặc dù vậy, phương pháp này có độ chính xác và độ nhạy thấp, cần thực hiện lại hoặc thực hiện thêm các xét nghiệm khác khi muốn chẩn đoán chắc chắn bạn có mắc COVID-19 hay không.

Kháng nguyên (antigen) là một chất khi đưa vào cơ thể sẽ gây ra ở cơ thể đó một đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, tức là sự hình thành các kháng thể và/ hoặc tế  bào T phản ứng đặc hiệu với kháng nguyên đưa vào. Ở corona virus, các kháng nguyên này thường là các protein bề mặt của virus. 

Test kháng nguyên được thiết kế theo phương pháp sắc ký miễn dịch tương tự như các que thử thai. Hiểu một cách đơn giản, khi đưa mẫu test (dung dịch đệm chứa protein từ dịch họng và dịch tị hầu) vào giếng chứa mẫu, các protein khác nhau có trong mẫu sẽ chạy lên phía trên của que thử bằng lực mao dẫn với tốc độ khác nhau. Bề mặt que thử có 2 vạch C (control) và T (test) nằm tách biệt: vạch C ở trên, vạch T ở dưới. Các vạch này được phủ một lớp kháng thể gắn với các phân tử màu đặc biệt chỉ hiển thị khi sự gắn giữa kháng nguyên và kháng thể diễn ra, đối với vạch T đó là các kháng thể gắn đặc hiệu với kháng nguyên của coronavirus.

Cách đọc kết quả test nhanh kháng nguyên

Khi quan sát bề mặt que thử của bộ test nhanh, bạn sẽ nhìn thấy 2 vạch C (control) và T (test) nằm tách biệt với nhau. Trong đó, vạch C ở trên và vạch T ở dưới.

Test nhanh kháng nguyên chỉ có giá trị khi vạch C hiển thị. Nếu sau thời gian chờ được ghi trên hướng dẫn mà chỉ có vạch T hoặc không có vạch nào hiện thị thì kết quả không được công nhận. Lúc này, bạn phải thực hiện lại với bộ test khác. 

Trường hợp que thử hiển thị mỗi vạch C:

Kết quả âm tính, tức là bạn không nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thời điểm lấy mẫu. Tuy nhiên, khả năng âm tính giả cao của test nhanh kháng nguyên khá cao. Do đó, cần đánh giá thêm các yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng, đồng thời tiếp tục theo dõi sức khỏe hoặc làm thêm xét nghiệm RT-qPCR để chẩn đoán xác định.

Trường hợp que thử hiển thị cả 2 vạch C và T:

Kết quả dương tính, tức là bạn đang nhiễm virus và có khả năng phát tán, lây truyền mầm bệnh cho người khác. Lúc này, bạn cần liên hệ với cơ quan y tế tại địa phương để được hướng dẫn theo dõi tại nhà hoặc nhập viện điều trị. Mọi người có thể tìm số điện thoại đường dây nóng của địa phương mình tại trang web: moh.gov.vn/danh-ba-uong-day-nong. Tuy nhiên, kết quả này cũng có thể là dương tính giả, nghĩa là bạn không nhiễm virus nhưng xét nghiệm lại trả lời là có. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn nên xét nghiệm thêm bằng phương pháp RT-qPCR để có được câu trả lời chính xác nhất.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện test nhanh kháng nguyên

Như đã đề cập phía trên, test nhanh kháng nguyên cho tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả cao do nhiều yếu tố như: 

  • Thời gian lấy mẫu quá muộn: xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả tốt nhất trong vòng 5 – 7 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng).
  • Thao tác lấy mẫu không đạt, nhất là khi bạn không được hướng dẫn chi tiết cách tự thực hiện tại nhà.
  • Lây chéo giữa các mẫu.
  • Lượng virus quá thấp.
  • Thời gian đọc kết quả quá sớm hoặc quá muộn
  • Bộ xét nghiệm hết hạn sử dụng hoặc được bảo quản không tốt.
  • Kháng thể của bộ xét nghiệm phản ứng với các protein không đặc hiệu khác

Vì vậy, để test nhanh kháng nguyên cho kết quả chính xác, bạn cần lưu ý kiểm tra hạn sử dụng của bộ xét nghiệm trước khi sử dụng và đọc kết quả trong thời gian quy định của nhà sản xuất. 

Như vậy, để xác định chính xác bạn có đang nhiễm COVID-19 hay không, test chậm hay RT-qPCR vẫn là phương pháp tốt nhất. Hi vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hai loại xét nghiệm này để không còn bối rối và nhẫm lẫn nữa.

Miễn trừ trách nhiệm/Disclaimer: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và không thay thế sự thăm khám của chuyên gia y tế.

Nguồn tham khảo

Cùng chủ đề


Bài viết mới