Hero image

Những điều cần biết trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19

Người viết: Cao Duy Khang

Người kiểm duyệt: ThS. ĐD. Nguyễn Thị Gái

Cập nhật: 02-12-2022

Vắc-xin là biện pháp hiệu quả để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 và nhanh chóng chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, nhiều người rất bối rối trước mũi tiêm đầu tiên. Cần chuẩn bị gì nhỉ? Xử lý những cơn sốt, đau bắp tay sau chích ngừa như thế nào? Bạn hãy cùng chúng mình tìm hiểu và chuẩn bị hành trang kiến thức thật tốt trước khi tiêm phòng COVID-19 nhé!

1. Lưu ý trước khi tiêm vắc-xin COVID-19

1.1. Trước ngày tiêm

Để tiết kiệm thời gian và không bị bối rối khi đi tiêm chủng, bạn cần chuẩn bị sẵn chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế. Nếu bạn tiêm mũi vắc-xin thứ hai thì đừng quên phiếu tiêm chủng lần trước. Ngoài ra, sổ khám bệnh và đơn thuốc đang hoặc mới sử dụng gần đây cũng nên được mang theo, đặc biệt với người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền.

Trước khi đi tiêm phòng, bạn cần ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Bạn cũng nên tải sẵn ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại để tiến hành khai báo y tế và theo dõi chứng nhận tiêm vắc-xin của bản thân.

Lưu ý, khi đi tiêm, bạn cần nghiêm túc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách với những người xung quanh và tuân thủ quy định của trung tâm tiêm chủng.

1.2. Tại địa điểm tiêm

Trước tiên, bạn nên đọc kỹ và điền chính xác các thông tin trên phiếu sàng lọc và cam kết tiêm vắc-xin. Nếu có thắc mắc, bạn đừng ngần ngại, hãy hỏi cán bộ y tế tại địa điểm tiêm.

Bên cạnh đó, tại bước khám sức khỏe trước tiêm, bạn nên chủ động thông báo với bác sĩ những thông tin quan trọng dưới đây:

  • Các bệnh lý mạn tính đang điều trị như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gout…
  • Các loại thuốc đang hoặc vừa sử dụng gần đây. Nếu không nhớ được tên thuốc, hãy đưa sổ khám bệnh hoặc đơn thuốc cho bác sĩ nhé!
  • Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với thức ăn, thuốc, vắc-xin hoặc bất kỳ tác nhân nào khác.
  • Tình trạng nhiễm virus hoặc mắc COVID-19 (nếu có).
  • Các loại vắc-xin khác mà bạn được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua.
  • Bạn có đang mang thai hoặc cho con bú không?
  • Nếu tiêm vắc-xin COVID-19 mũi thứ hai, bạn có thể thông báo với bác sĩ về các phản ứng bất thường sau lần tiêm đầu tiên.

Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi thêm về lịch tiêm mũi tiếp theo, các phản ứng sau tiêm, cơ sở y tế và số điện thoại để liên hệ trong trường hợp cần thiết.

2. Theo dõi sức khỏe tại nhà sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

Ít nhất 3 ngày đầu tiên sau tiêm chủng, bạn nên có người thân hoặc bạn bè bên cạnh để theo dõi các phản ứng và hỗ trợ khi cần thiết. Những dấu hiệu nguy hiểm mà bạn và người hỗ trợ cần đặc biệt lưu ý gồm:

  • Tê bì quanh môi hoặc lưỡi.
  • Trên da xuất hiện phát ban, mẩn đỏ, các chấm, nốt hoặc mảng màu đỏ, tím.
  • Họng ngứa, căng cứng, nuốt nghẹn và cảm giác khó nói.
  • Chóng mặt, mệt bất thường, đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, ngủ gà, khó lay gọi, lú lẫn, ngất xỉu, co giật.
  • Đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài.
  • Nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
  • Khó thở, thở rít, khò khè, tím tái quanh môi.
  • Sốt cao liên tục trên 39°C, nhiệt độ không giảm sau khi uống thuốc hạ sốt.
  • Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi mà không do va chạm, sang chấn.

Khi thấy một trong các dấu hiệu này, bạn và người hỗ trợ cần liên hệ ngay với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện gần nhất.

Ngoài ra, sau tiêm phòng, bạn không cần ăn uống kiêng khem. Thay vào đó, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, rượu bia và các chất kích thích có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả tiêm chủng. Vì vậy, hãy tránh xa những đồ uống này ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm nhé!

Vùng bắp tay tại vị trí tiêm có thể đau nhức, sưng đỏ hoặc nổi cục nhỏ. Trong trường hợp này, bạn đừng quá lo lắng, hãy tiếp tục theo dõi. Bạn cũng không nên bôi, chườm, đắp lá, thuốc hay đá lạnh. Nếu vị trí tiêm sưng to, nhanh, bạn cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xử lý.

Sốt cũng là phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Do đó, bạn hãy chuẩn bị sẵn nhiệt kế tại nhà và đo thân nhiệt thường xuyên.

  • Nếu sốt dưới 38,5°C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, sử dụng khăn ấm để chườm hoặc lau tại trán, hố nách, bẹn và uống đủ nước là những biện pháp hiệu quả. Để tránh nhiễm lạnh, sau khi lau bằng khăn ấm, bạn nên dùng khăn khô lau lại. Sau đó, nhớ đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
  • Nếu sốt từ 38,5°C trở lên: Hãy sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Trong trường hợp không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Tiêm vắc-xin là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân. Vì vậy, bạn đừng sợ hãi những phản ứng sau tiêm mà chối từ lá chắn kiên cường, hữu hiệu này nhé!

Miễn trừ trách nhiệm/Disclaimer: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và không thay thế sự thăm khám của chuyên gia y tế.

Nguồn tham khảo

Cùng chủ đề


Bài viết mới