Hero image

Chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19 – Phản vệ độ 2 là như thế nào?

Người viết: Cao Duy Khang

Người kiểm duyệt: BS. Nguyễn Thanh Vân

Cập nhật: 02-12-2022

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã và đang được nhiều người quan tâm. Ở những bài viết trước, chúng mình đã chia sẻ với bạn thông tin về đối tượng được tiêm, cần cẩn trọng khi tiêm cũng như không được chủng ngừa COVID-19. Một trong những chống chỉ định của vaccine là bạn có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên. Tuy nhiên, liệu tình trạng dị ứng với thuốc, thức ăn, thời tiết hoặc lông động vật,…. có được xem là phản vệ hay không? Sốc phản vệ là gì? Làm thế nào để bạn biết bản thân có chống chỉ định với vaccine COVID-19 hay không? Cùng VHL chúng mình tìm hiểu ngay nhé!

I. MỘT SỐ THUẬT NGỮ:

Trước tiên, bạn cần hiểu và phân biệt các khái niệm: dị ứng, phản vệ và sốc phản vệ. Có nhiều định nghĩa từ các tổ chức y tế khác nhau cho ba thuật ngữ này nhưng tựu chung lại, bạn có thể hiểu đơn giản như sau.

Dị ứng

Là phản ứng của cơ thể với các chất lạ mà nó cho là có hại, ngay cả khi chất đó không chứa bất kỳ yếu tố nguy hiểm nào. Lúc này, cơ thể sẽ chống lại và cố gắng loại bỏ tác nhân gây ra triệu chứng (như phát ban, nghẹt mũi, ngứa mắt,….) Các tác nhân này được gọi là dị nguyên.   

Phản vệ

Là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các triệu chứng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. 

Sốc phản vệ

Là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu với bất cứ dị nguyên, thuốc nào (thuốc dùng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, vaccine, huyết thanh, thức ăn, hóa mỹ phẩm, côn trùng đốt…)

II. PHÂN ĐỘ PHẢN VỆ:

Phản vệ được chia thành 4 mức độ sau, dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Nhẹ (độ I): Chỉ có các biểu hiện trên da, tổ chức dưới da và niêm mạc như nổi mày đay, ngứa, phù mạch. 

Nặng (độ II): có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan như: 

  • Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh. 
  • Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi. 
  • Đau bụng, nôn, tiêu chảy. 
  • Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp

Nguy kịch (độ III): biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

  • Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản. 
  • Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở. 
  • Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, đại tiểu tiện không tự chủ. 
  • Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. 

Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn (như ngừng thở, tim ngừng đập, huyết áp khó đo,…)

Như vậy, bạn có thể hiểu tình trạng dị ứng thông thường là phản vệ mức độ nhẹ (độ I) vì thường chỉ có các triệu chứng ở da, niêm mạc, không ảnh hưởng đến cơ quan thiết yếu như hô hấp, tim mạch và ít đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, phản vệ độ I vẫn có thể tiến triển nặng hơn và trở nên nguy kịch.

III. TỔNG KẾT:

Đối với những người khi tiếp xúc với thuốc, thức ăn, lông động vật, phấn hoa,…. chỉ xuất hiện các triệu chứng dị ứng ngoài da và niêm mạc như ban đỏ, mề đay, phù quanh mắt, phù mạch vẫn có thể được tiêm vaccine COVID-19. Lúc này, bạn sẽ được các nhân viên y tế tại địa điểm tiêm chủng đánh giá, tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Còn nếu sau khi tiếp xúc với dị nguyên, bạn có biểu hiện nặng như khó thở, tức ngực, tiêu chảy, đau bụng, thở rít, tím tái, hôn mê, co giật,… hoặc các triệu chứng ngoài da và niêm mạc xuất hiện nhanh thì bạn cần chủ động trình bày kỹ với bác sĩ khi khám sàng lọc trước tiêm chủng.

Tuy nhiên, không chỉ với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng, tất cả chúng ta đều cần trình bày rõ các thông tin khi được hỏi, để bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất cho từng người.

Miễn trừ trách nhiệm/Disclaimer: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và không thay thế sự thăm khám của chuyên gia y tế.

Nguồn tham khảo

Cùng chủ đề


Bài viết mới