Hero image

Nguồn: https://unsplash.com/photos/roCfgvkBLVY

Các vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp và cách giải quyết

Người viết: Bùi Nguyễn Khánh Tường, Lê Nguyễn Lam Ngọc, Đỗ Hạnh Trang

Người kiểm duyệt: Nguyễn Thị Ánh Xuân, Nguyễn Bảo Ân

Cập nhật: 02-12-2022

Căng thẳng, lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn là những vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp nhưng chưa được nhiều người quan tâm. Liệu bạn có đang mắc các vấn đề này không? Nếu có, đâu là cách hiệu quả nhất để xử lý chúng? Cùng VHL khám phá ngay thôi.

Căng thẳng (Stress)

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, căng thẳng (stress) là phản ứng sinh lý hoặc tâm lý đối với các tác nhân căng thẳng bên trong hoặc bên ngoài, nhất là tác động bên ngoài cơ thể. Căng thẳng có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài, với các triệu chứng liên quan đến thể chất và tinh thần như khó chịu, tức giận, mệt mỏi, đau cơ, rối loạn tiêu hóa và khó ngủ. Mọi người đều trải qua stress ở một mức độ nào đó chẳng hạn như trong công việc, thi cử hoặc tài chính… Tuy nhiên, cách chúng ta  đối phó với stress  tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe của chính mình.

Không phải tất cả căng thẳng đều xấu. Trong tình huống nguy hiểm, stress báo hiệu cơ thể chúng ta chuẩn bị đối mặt với mối đe dọa hoặc chạy trốn đến nơi an toàn. Trong tình huống không nguy hiểm, stress có thể trở thành động lực để thúc đẩy bản thân như là trong thi cử, làm việc… Đó là lý do căng thẳng được chia thành 2 loại: Stress tích cực và stress tiêu cực.

Stress tích cực là một phản ứng tích cực của cơ thể đối với những thử thách thú vị và có thể đạt được. Ví dụ như: cạnh tranh trong công việc để được thăng chức hoặc đi hẹn hò buổi đầu tiên. Loại stress này có tác dụng hữu ích bằng cách tạo ra cảm giác hoàn thành hoặc đạt được thành tích. Từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển, khả năng làm chủ và mức năng suất làm việc cao. 

Ngược lại, stress tiêu cực là một phản ứng tiêu cực của cơ thể khi liên tục phải đối mặt và choáng ngợp bởi những thử thách trong cuộc sống, sự mất mát hoặc những mối đe dọa nhận thức được. Ví dụ như: ốm đau, bệnh tật. Loại căng thẳng này gây ảnh hưởng về mặt thể chất cũng như tâm lý. Từ đó gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe cho cá nhân.

Bạn có thể kiểm soát stress bằng cách:

  • Cân bằng cuộc sống bằng cách sắp xếp thời gian hợp lý để không bị quá tải.
  • Liên lạc với những người chúng ta tin tưởng như gia đình, bạn bè để chia sẻ những cảm xúc của bản thân từ đó có thể giảm bớt stress.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Việc bỏ bữa có thể làm giảm lượng đường trong máu, điều đó có thể khiến chúng ta dễ bị stress. 
  • Luyện tập thể dục đều đặn – cơ thể tiết ra endorphin – hormone này có thể giảm triệu chứng stress.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và chăm sóc bản thân. Chúng ta có thể tập thiền kết hợp chăm sóc bản thân thường xuyên là điều cần thiết để quản lý stress.
  • Thời gian ngủ nghỉ hợp lý khoảng từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.

Lo âu (Anxiety)

Lo âu là những lo lắng quá mức kéo dài khi có nguy hiểm hoặc một điều không may sắp xảy ra. Khác với căng thẳng, lo âu có thể diễn ra kể cả khi không có tác động bên ngoài ảnh hưởng. Một loạt các triệu chứng của lo âu gần giống với căng thẳng có thể kể đến như mất ngủ, khó tập trung, mệt mỏi, căng cơ và dễ cáu kỉnh [3,4].

Để đối phó với lo âu, bạn hãy:

  • Tập trung hít thở sâu: Đây là biện pháp hiệu quả để nhanh chóng kiểm soát sự lo lắng quá mức. Bạn hãy nhắm mắt, hít vào sâu, thở ra chậm, đồng thời duy trì sự chú ý vào nhịp thở trong khoảng 5 phút. Lúc này, nhịp tim của bạn sẽ chậm lại và bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn.
  • Vận động cơ thể: Tập thể dục không chỉ nhanh chóng cắt đứt những suy nghĩ tiêu cực mà còn nuôi dưỡng tinh thần bạn khi duy trì thói quen này lâu dài.
  • Viết ra suy nghĩ của mình: Viết ra những điều khiến bạn lo lắng sẽ giúp bạn loại bỏ chúng ra khỏi đầu. Sau đó, bạn hãy tự hỏi bản thân xem những nỗi lo đó có đúng không và bạn có thể kiểm soát chúng bằng cách nào.
  • Liệu pháp mùi hương: Các loại tinh dầu như oải hương, hoa cúc, gỗ đàn hương có tác dụng xoa dịu lo âu, giúp bạn thư giãn tinh thần. Mỗi lần cảm thấy lo lắng, bạn có thể sử dụng nến hoặc máy xông tinh dầu.
  • Thiền định: Khi tập thiền, bạn cần loại bỏ những cảm xúc, suy nghĩ bộn bề và tập trung vào hơi thở. Đây chính là lý do người mắc chứng lo âu nên luyện tập thiền hàng ngày.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Post-traumatic stress disorder – PTSD)

PTSD là một tình trạng rối loạn tâm thần có thể xảy ra sau khi trải qua hoặc chứng kiến những sự kiện đau thương hoặc sau các tai nạn nguy hiểm đến tính mạng; gây tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, có biểu hiện sợ hãi, lo âu, bất lực và mệt mỏi kéo dài. PTSD không phải là một dấu hiệu suy nhược mà là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán và điều trị.

Thông thường, một người trải qua ký ức và cảm giác đau buồn ngay sau khi có những biến cố đau buồn và nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người sống chung với PTSD, những trạng thái này sẽ kéo dài hơn (từ một tháng trở lên) và làm gián đoạn khả năng hoạt động của họ trong cuộc sống hàng ngày. 

Các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Hồi tưởng những ký ức kinh khủng và thường gặp cơn ác mộng.
  • Dễ tức giận và có lối suy nghĩ tiêu cực.
  • Tránh né tiếp xúc với mọi người.
  • Tránh bất cứ điều gì khơi gợi ký ức đau buồn
  • Cảm thấy có lỗi và bất lực vì hành động của họ trong suốt sự kiện hoặc bởi vì mất người thân.

Nếu bạn đang phải đối mặt với PTSD, giải pháp hiệu quả nhất là trị liệu trò chuyện, kết hợp với dùng thuốc dưới sự chỉ định, theo dõi của chuyên gia. Bên cạnh đó, những người bị PTSD có thể giúp chính mình bằng cách

  • Dành thời gian và tâm sự với một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy.
  • Tham gia các hoạt động thể chất nhẹ hoặc tập thể dục để giúp giảm căng thẳng.
  • Đặt mục tiêu thực tế cho bản thân.
  • Chia nhỏ những nhiệm vụ, đặt một số ưu tiên và làm những gì bạn có thể làm.

Đừng chịu đựng những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực một mình. Hãy chia sẻ chúng với người mà bạn tin tưởng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm. Hãy nhớ rằng, bạn không bao giờ cô đơn.

Miễn trừ trách nhiệm/Disclaimer: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và không thay thế sự thăm khám của chuyên gia y tế.

Nguồn tham khảo

Cùng chủ đề


Bài viết mới