Hero image

Nguồn: https://unsplash.com/photos/Ko3EMBFggok

Bóc fact về sức khỏe tinh thần

Người viết: Lê Nguyễn Gia Huy, Lê Thị Thu Thảo

Người kiểm duyệt: Nguyễn Thị Ánh Xuân, Nguyễn Bảo Ân

Cập nhật: 02-12-2022

Sức khỏe tinh thần là những gì liên quan đến cảm xúc, tâm lý và sự kết nối với xã hội của một người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định sức khỏe tinh thần cũng cần được bảo vệ và chăm sóc như sức khỏe thể chất. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn còn xem nhẹ hoặc hiểu lầm về sức khỏe tinh thần. Hôm nay, bạn hãy cùng VHL gõ cửa tìm sự thật đằng sau những nghi vấn đó nhé!

Trẻ em có “miễn dịch” với những vấn đề về sức khỏe tinh thần

Khi nhắc đến những vấn đề về sức khỏe tinh thần, chúng ta hay nghĩ đến vấn đề của người lớn, những bậc phụ huynh với bao nỗi lo toan. Trẻ em như những trang giấy trắng vô ưu vô lo. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, trẻ em bất đắc dĩ biến thành chú chuột nhỏ được bảo bọc trong chiếc túi Kangaroo của bố mẹ – nơi hầu hết chúng ta nghĩ rất khó để vấn đề tinh thần có thể chạm đến. 

Tuy nhiên, theo số liệu được thống kê trong bảng tóm tắt của Đơn vị sức khoẻ tâm thần toàn cầu (United For Global Mental Health): 85,7% cha mẹ ở Ý và Tây Ban Nha nhận thấy sự thay đổi trong cảm xúc và hành vi của con cái trong thời gian không thể ra khỏi nhà. Trong đó, ghi nhận 76% trẻ khó tập trung, 39% trường hợp trẻ cáu kỉnh, 38,8% bồn chồn, 38% lo lắng và 31,1% trẻ cảm thấy lo lắng. 

Những số liệu này chính là lời nhắc nhở rằng người lớn chúng ta cần quan tâm tới sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con trẻ. Đồng thời, duy trì kết nối giữa trẻ với gia đình và xã hội rất cần thiết.

Người có tâm hồn mong manh, hay khóc thầm dễ có vấn đề về sức khỏe tinh thần

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần không chỉ xảy ra với những cá nhân sống nội tâm. Những yếu tố góp phần dẫn tới rối loạn tâm lý ở con người có thể bao gồm:

  • Các yếu tố sinh học như gen, bệnh tật, chấn thương hay chất hoá học trong não bộ.
  • Những trải nghiệm trong cuộc sống, chẳng hạn như chấn thương hoặc tiền sử bị lạm dụng.
  • Tiền sử gia đình về các vấn đề sức khỏe tinh thần.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn chắc chắn có vấn đề về sức khỏe tinh thần nếu có những yếu tố này. Nếu chúng ta duy trì lối sống lành mạnh, và điều chỉnh phù hợp thì các yếu tố trên cũng chỉ là lý thuyết thôi.

Vấn đề về sức khỏe tinh thần không khỏi hoàn toàn

Trái với lời đồn “tâm bệnh” mạn tính, không thể chữa khỏi, nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người gặp vấn đề sức khỏe tinh thần có thể hồi phục hoàn toàn. Họ có thể sống, làm việc, sinh hoạt, học tập và tham gia các hoạt động cộng đồng như những người bình thường khác nếu được phát hiện sớm, tiếp cận và điều chỉnh đúng cách.

Tại sao tôi phải lãng phí vào các trị liệu tâm lý thay vì uống thuốc điều trị?

Trị liệu tâm lý là một liệu pháp được thực hiện bởi các chuyên gia đã được đào tạo về lĩnh vực tâm lý, thông qua hình thức giao tiếp và tương tác với thân chủ. Họ sẽ đưa ra các đánh giá, chẩn đoán, hướng dẫn, điều trị các vấn đề về rối loạn tâm lý, cảm xúc, hành vi, tùy theo nhu cầu, tình trạng của thân chủ.

Thông thường, một buổi trị liệu tâm lý sẽ kéo dài khoảng 45 – 50 phút. Vào những buổi đầu, chuyên gia sẽ hỏi một loạt các câu hỏi để có thể tìm hiểu về tiểu sử của thân chủ, và vấn đề đang gặp phải. Điều quan trọng của các buổi trị liệu là sự tin tưởng của thân chủ vào chuyên gia, nên quá trình trị liệu thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng [1]. 

Lựa chọn các biện pháp điều trị tùy thuộc vào nguồn cội của các vấn đề, giai đoạn bệnh hay cá thể hoá trên từng đối tượng. Nên không có biện pháp nào là lãng phí chỉ có biện pháp điều trị phù hợp với vấn đề sức khỏe tinh thần của từng cá nhân. Ngoài ra, các trị liệu tâm lý cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.

Tùy theo từng đối tượng mà chuyên gia sẽ áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tham vấn, trị liệu khác nhau như:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioural therapy): cải thiện cảm xúc tích cực hơn, hỗ trợ tìm kiếm hướng giải quyết, phù hợp với đối tượng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, mất ngủ. [3]
  • Trị liệu liên cá nhân (Interpersonal psychotherapy): tập trung giải quyết các vấn đề từ các mối quan hệ xung quanh, ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý của thân chủ. [4]
  • Trị liệu giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (Eye Movement Desensitization and Reprocessing) thường áp dụng cho người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder) [5]
  • Liệu pháp kích hoạt hành vi (Behavioural Activation) cải thiện bệnh trầm cảm, bằng cách tăng cường các hoạt động tích cực, loại bỏ thói quen xấu và suy nghĩ tiêu cực. [6]

Cơ thể khỏe mạnh là khi không có bất cứ vấn đề gì về thể chất cũng như tinh thần. Thể chất khỏe mạnh sẽ giúp bạn thực hiện các lý tưởng, còn tinh thần khỏe mạnh chính là “chất xúc tác” thúc đẩy bạn biến các lý tưởng đó thành hiện thực. Vì vậy, bạn hãy giữ cho mình một tinh thần tốt và một thể chất khỏe mạnh nhé!

Miễn trừ trách nhiệm/Disclaimer: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và không thay thế sự thăm khám của chuyên gia y tế.

Nguồn tham khảo

Cùng chủ đề


Bài viết mới