Hero image

Nguồn: https://unsplash.com/photos/D6mRHVHQg8o

Bạn đang ở đâu trong tháp nhu cầu sức khoẻ tinh thần trong mùa COVID-19?

Người viết: Bùi Nguyễn Khánh Tường

Người kiểm duyệt: ThS. Nguyễn Bảo n

Cập nhật: 02-12-2022

Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng COVID-19 không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất mà còn là mầm mống gây nên cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về tinh thần. Mục tiêu của bài viết này là xem xét tác động tiềm tàng của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tinh thần của người dân từ đó có thể lập ra kế hoạch về nhu cầu sức khoẻ tinh thần của cộng đồng.

Từ các đại dịch của thế kỷ XXI bao gồm SARS-CoV-2 (COVID-19), thông qua những di chứng về mặt tinh thần, chúng ta có thể chia làm 6 nhóm đối tượng cụ thể để gợi ý kế hoạch chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Đối tượng 1 – Lo âu gián tiếp

Đây là những người có mức độ lo âu gián tiếp thông qua các thông tin về virus Corona [1],[6]. Với đối tượng này, các ban ngành, tổ chức, hiệp hội y tế cần xây dựng chiến lược truyền thông nhất quán nhằm cung cấp thông tin sức khỏe đáng tin cậy. Quan trọng hơn, phải đưa ra các đề xuất hoặc giải pháp thực tế và khả thi để giảm thiểu hợp lý mức độ  lo âu.

Bên cạnh đó, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng 1, bạn nên xây dựng và duy  trì những thói quen tích cực như: Ăn các bữa ăn lành mạnh, luyện tập thể dục đều đặn và dành thời gian để làm những việc bạn thích… Ngoài ra, mỗi cá nhân chúng ta có thể liên lạc cho bạn bè, người thân của mình thường xuyên để tránh việc lo lắng hay ủ rũ.

Đối tượng 2 – Lo lắng và stress tiêu cực quá mức

Nhóm đối tượng này bao gồm những người lo lắng và stress tiêu cực quá mức về các vấn đề khác nhau liên quan đến đại dịch COVID-19. Hậu quả là họ có thể mắc chứng lo âu và trầm cảm [1]. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng này, bạn nên giảm thời lượng xem, đọc hoặc nghe những tin tức khiến bạn cảm thấy lo lắng. Ngoài ra có liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy – CBT) cũng là một biện pháp giúp cải thiện hiệu quả vấn đề trên.

Đối tượng 3 – PTSD

Theo nhiều nghiên cứu, các triệu chứng rối loạn sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder – PTSD) phổ biến một cách đáng ngạc nhiên trong các đại dịch [1],[3]. Vì vậy, những người có biểu hiện của PTSD thuộc nhóm số 3. 

Trong trường hợp này, liệu pháp tâm lý cá nhân đã được chứng minh là hiệu quả hơn so với các biện pháp can thiệp theo nhóm hoặc chỉ dùng thuốc cho PTSD. Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực, các can thiệp dựa trên nhóm có hoàn cảnh giống nhau có thể có lợi về mặt lâm sàng. Chẳng hạn, những cá nhân tham gia chống dịch ở tuyến đầu, những người đã khỏi COVID-19 hoặc đối tượng thất nghiệp trong đại dịch có thể được ghép nhóm và trị liệu cùng nhau. Điều trị PTSD cũng có thể cải thiện chứng mất ngủ trong giai đoạn hậu COVID.

Đối tượng 4 – Trẻ em

Trẻ em trong đại dịch COVID-19 và nhiều đại dịch trước đó thường có xu hướng mắc 2 rối loạn tâm lý sau: lo âu và bồn chồn/ hành vi gây rối [1], [4]. Do đó, các bậc phụ huynh cần biết cách quản lý sự lo âu, bồn chồn của con cái. Phương pháp này đã được các chuyên gia tại Đại học Yale chứng minh là đem lại hiệu quả tương tự liệu pháp CBT cá nhân. Ngoài ra, việc lập kế hoạch các cách giải quyết lo lắng ở trẻ em có thể là sự đầu tư tốt nhất với nguồn lực y tế hạn chế.

Đối tượng 5 – Doanh nghiệp và người lao động thất nghiệp

Trong đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Nhiều doanh nghiệp lao đao, phá sản hoặc phải nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh. Do đó, đối tượng số 5 bao gồm những doanh nghiệp và người lao động đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế kéo dài do đại dịch [1].

Với nhóm đối tượng này, chúng ta cần lập kế hoạch hỗ trợ những vật dụng thiết yếu, lương thực thực phẩm và chỗ ở, nhằm tạo cơ hội học nghề và cơ hội làm việc cho họ. Bên cạnh đó, các nhóm hỗ trợ miễn phí và hội thảo đào tạo về quyền thất nghiệp, xây dựng sơ yếu lý lịch và các cơ hội phục vụ dân sự có khả năng tạo ra tác động lớn hơn liệu pháp tâm lý ở nhóm đối tượng này.

Đối tượng 6 – Nhân viên y tế

Nhóm đối tượng cuối cùng là nhân viên y tế tham gia chống dịch. Đội ngũ điều dưỡng, y bác sĩ, sinh viên, học viên trường Y liên tục phải đối mặt với những căng thẳng do khối lượng công việc lớn, nguy cơ lây nhiễm cao. Họ phải gác lại mọi công việc gia đình, tạm biệt người thân để tham gia tuyến đầu chống dịch [2],[5],[7].

Các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, bệnh viện cần xây dựng kế hoạch bổ sung, thay thế nguồn nhân lực y tế, tránh tạo áp lực công việc quá nhiều. Đồng thời, phải đảm bảo thời gian nghỉ hợp lý sau khi kết thúc ca trực tại nơi làm việc. Đặc biệt, chú trọng chế độ phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Đại dịch COVID-19 thay đổi hành vi sức khỏe cộng đồng một cách đáng kể. Những phương pháp tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ xa đang được mở rộng tuy nhiên hệ thống này chưa được phổ biến. Do đó, điều quan trọng là cần tập trung các nỗ lực lập kế hoạch và  đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe tinh thần vào các can thiệp có khả năng tác động lớn nhất.

Miễn trừ trách nhiệm/Disclaimer: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo và không thay thế sự thăm khám của chuyên gia y tế.

Nguồn tham khảo

Cùng chủ đề


Bài viết mới